Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam:
"Giảm hút thuốc đồng nghĩa với nâng cao sức khỏe cộng đồng"
Phóng viên (PV): Theo ông, việc hút thuốc lá ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người và đời sống kinh tế-xã hội?
TS.BS: Nguyễn Trương Nam
TS Nguyễn Trương Nam: Thuốc lá có khả năng gây ung thư tại hầu hết các cơ quan trên cơ thể người như: Ung thư phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, họng, gan, tụy, dạ dày… Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, miễn dịch, răng miệng, xương khớp, tiểu đường… Phụ nữ hút thuốc khi mang thai sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ đối với thai nhi như: Thai nhẹ cân, sinh non hoặc trẻ bị dị tật bẩm sinh, đột tử ở trẻ sơ sinh… Các nghiên cứu cũng chỉ ra, hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc từ người khác) cũng có những ảnh hưởng tới sức khỏe tương tự như người hút thuốc.
Hằng năm, trung bình người hút thuốc phải chi khoảng 4-12 triệu đồng để mua thuốc lá loại thông thường. Còn với số loại cao cấp hơn thì có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo Tổng cục Thống kê, hằng năm, người Việt chi cho việc mua thuốc lá là 22.000 tỷ đồng và hơn 23.000 tỷ đồng là chi phí điều trị và tổn thất khả năng lao động do hút thuốc gây ra.
PV: Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học đang thực hiện một số dự án nhằm hỗ trợ và điều trị cai thuốc lá trong cộng đồng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn hoạt động này?
TS Nguyễn Trương Nam: Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học phối hợp cùng Văn phòng thường trực Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Vinacosh), Bộ Y tế, triển khai một số dự án như: Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã” do Viện Sức khỏe Hoa Kỳ tài trợ và dự án “Phát triển và phổ biến chương trình đào tạo về điều trị cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế tại Việt Nam” do Quỹ Pfizer tài trợ.

Cán bộ y tế tư vấn cai thuốc lá cho bệnh nhân
Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã” được triển khai ở 26 trạm y tế xã của tỉnh Thái Nguyên, nhằm thí điểm mô hình tư vấn hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở, nhằm cung cấp bằng chứng để thúc đẩy việc nhân rộng thực hiện và phổ biến các chương trình điều trị cai thuốc lá. Dự án “Phát triển và phổ biến chương trình đào tạo về điều trị cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế tại Việt Nam” được thực hiện với sự phối hợp của Vinacosh-Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị sử dụng thuốc lá từ Trường Đại học New York. Mục đích dự án nhằm xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo cho cán bộ y tế về tư vấn và điều trị sử dụng thuốc lá tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường năng lực cán bộ y tế trong tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá, với việc phổ biến rộng rãi chương trình đào tạo này thông qua xây dựng và thử nghiệm chương trình đào tạo giảng viên nguồn, phổ biến áp dụng chương trình đào tạo trong hệ thống y tế.
Chúng tôi cũng xây dựng và phát triển cổng thông tin điện tử vquit.vn nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ cần thiết về cai thuốc lá, thuốc lào cho mọi đối tượng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả đạt được cũng như những trở ngại trong quá trình này?
TS Nguyễn Trương Nam: Thành tựu bước đầu là đáng khích lệ. Viện được biết đến như một trong những đơn vị tích cực và tiên phong về tư vấn hỗ trợ điều trị cai thuốc lá cho người hút thuốc, cũng như đào tạo về tư vấn và điều trị cai thuốc lá cho cán bộ y tế. Các dự án cũng cho thấy những hiệu quả ban đầu như nâng cao tỷ lệ bệnh nhân cai thuốc sau 6 tháng kể từ khi nhận tư vấn hoặc nhận tin nhắn hỗ trợ từ hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá của vquit.vn.
Trang web và hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc cũng có số người đăng ký vào chương trình nhận tin nhắn ngày càng tăng. Một tỷ lệ không nhỏ người hút thuốc cho biết đã cai được thuốc sau khi nhận được tin nhắn hỗ trợ từ hệ thống của vquit.vn. Rất nhiều người đã cai thuốc thành công, cải thiện sức khỏe đáng kể. Việc giảm số lượng người hút thuốc lá đồng nghĩa với việc nâng cao sức khỏe cho những người hút thuốc và cả cộng đồng.
Tuy vậy, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, như việc người hút thuốc, cũng như cán bộ y tế chưa thực sự tin vào hiệu quả của tư vấn đơn thuần. Mặt khác, việc tư vấn và điều trị cai thuốc chưa được quan tâm đúng mức trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá... Theo tôi, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng; tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế về tư vấn hỗ trợ và điều trị; đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá. Đẩy mạnh việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nơi làm việc, nơi công cộng…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học (ISMS) là tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở tại Hà Nội, chuyên thiết kế và thực hiện các nghiên cứu nhằm cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng và triển khai các chiến lược, chính sách, chương trình trong lĩnh vực y-xã hội học; triển khai các dự án can thiệp hướng tới cộng đồng tập trung vào các nhóm yếu thế, thiệt thòi và dễ bị tổn thương… |
(Theo Quân Đội Nhân Dân)